Cứu sống trẻ tay chân miệng độ 4 nặng , nguy kịch tại khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Nhi Đồng Cần Thơ.
Bệnh viện nhi đồng Cần Thơ vừa tiếp nhận và điều trị bé P.T.Ân 42 tháng, ngụ tại Ninh Kiều, Cần Thơ. Theo lời kể của gia đình bé bệnh 4 ngày, ngày 1 bé sốt kèm theo loét miệng và nổi hồng ban tay chân có đi khám và được chẩn đoán bệnh tay chân miệng tại bệnh viện địa phương, ngày 2 – ngày 3 bé vẫn còn sốt dao động kèm theo ăn uống kém, ngày 4 bé vẫn còn sốt đến chiều cùng ngày thì bé vã mồ hôi lạnh kèm theo ngủ giật mình chới với tay chân được người nhà đưa đến khám tại bệnh viện nhi đồng Cần Thơ.
Bé nhập viện trong tình trạng sốc: em lừ đừ, môi tái, chi lạnh, da nổi bông, mạch quay nhanh nhẹ khó bắt, huyết áp khó đo, thở không đều nhịp thở nông, tim đều mờ, phổi thông khí đều, bụng mềm, gan mấp mé bờ sườn, tĩnh mạch cổ nổi, hồng ban bóng nước điển hình ở tay và chân kèm theo loét miệng.
Tại khoa cấp cứu bé được chẩn đoán bệnh tay chân miệng 4, nhanh chóng được đặt nội khí quản, thở máy, đặt catheter động mạch theo dõi huyết áp xâm lấn, sử dụng IVIG (Immunoglobulin) và thuốc vận mạch, trợ tim sau đó chuyển bé đến khoa hồi sức tích cực (HSTC). Tại khoa HSTC, bé tiếp tục được thở máy, an thần, sử dụng IVIG, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm để truyền các thuốc vận mạch, trợ tim liều cao và đo áp lực tĩnh mạch trung tâm, tuy nhiên tình trạng bé vẫn không cải thiện chức năng co bóp cơ tim giảm dần, xét nghiệm ghi nhận men tim tăng gấp nhiều lần giá trị bình thường nên nhanh chóng được tiến hành lọc máu liên tục. Trong quá trình lọc máu bé vẫn sốt cao liên tục xét nghiệm ghi nhận bilan nhiễm trùng cao nên được sử dụng thêm các loại kháng sinh cao cấp.
Sau 5 ngày lọc máu liên tục tình trạng bé cải thiện dần mạch, huyết áp trở về mức bình thường đã ngưng các thuốc vận mạch trợ tim, cai máy lọc máu và sau đó cai máy thở máy.
Trải qua 3 tuần nhập viện và điều trị, hiện sức khoẻ bé đã ổn định, ăn uống bình thường, không có dấu hiệu di chứng thần kinh và đã được xuất viện trong sự phấn khởi, vui mừng của gia đình và nhân viên y tế.
Qua đây BS.CKII Trần Huỳnh Việt Trang, trưởng khoa Hồi sức tích cực- chống độc muốn nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh rằng bệnh tay chân miệng đang trong mùa và đang tăng cao, đặc biệt có sự xuất hiện của chủng Enterovirus 71 là tác nhân gây bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao. Do đó bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng cần được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều
trị kịp thời.
Đối với bệnh nhi có loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối… cần đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán, theo dõi và điều trị kịp thời.
Các dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng cần chú ý khi có các dấu hiệu này cần đưa bệnh nhi đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời:
+ Sốt cao liên tục, khó hạ
+ Sốt trên 2 ngày
+ Nôn ói nhiều
+ Giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng
+ Tay chân lạnh, vã mồ hôi
+ Li bì
+ Thở mệt
Tin: BSCKI. Trần Minh Thành-TTSK Khoa HSTCCĐ