Ngày 20/01/2024 vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ tiếp nhận 01 bé trai N.T.N.T, 2 ngày tuổi, cân nặng 2380 gram tại 01 bệnh viện trên địa bàn TP Cần Thơ. Sau sinh 02 ngày, bé thở nhanh, co kéo nhẹ, được thở oxy, đặt sonde dạ dày dịch xanh, có chụp Xquang cản quang theo dõi hẹp tá tràng nên chuyển Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ. Tại khoa hồi sức sơ sinh, các bác sỹ đã khẩn trương hội chẩn liên khoa (khoa Ngoại tổng quát và khoa Gây mê hồi sức), sau khi chụp Xquang bụng có hình ảnh bóng đôi, siêu âm bụng theo dõi tắc tá tràng nên được chỉ định phẫu thuật. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé có tình trạng nhiễm trùng kèm rối loạn đông máu và rối loạn điện giải nên phải thực hiện hồi sức trước khi phẫu thuật.

Sau 05 ngày được phẩu thuật và hồi sức tích cực tại khoa hồi sức sơ sinh (thở máy xâm nhập, nuôi ăn tĩnh mạch hoàn toàn, kháng sinh hỗ trợ), tổng trạng bé cải thiện dần và bé đã có thể uống được những giọt sữa mẹ đầu tiên. Và sau 18 ngày điều trị, hôm nay ngày 07/02/2024, tổng trạng bé đã ổn định, bé tiêu hóa sữa mẹ tốt dần, lên cân tốt, bé được xuất viện về nhà trong niềm vui của gia đình và tập thể đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tại khoa.
Theo BS khoa sơ sinh: “Tắc tá tràng bẩm sinh (Congenital Duodenal atresia), là một căn bệnh hiếm gặp, tỉ lệ tắc tá tràng từ 1/5000 đến 1/10000 trẻ sinh ra. Có một tỉ lệ cao mắc các dị tật kết hợp hội chứng Down, tim bẩm sinh, teo thực quản, dị tật đường tiết niệu… Nguyên nhân tắc tá tràng bẩm sinh thường gặp teo tá tràng , màng ngăn niêm mạc tá tràng, bệnh lý tuỵ nhẫn do dây chằng Ladd. Kết quả mổ chữa bệnh này hiện có tỉ lệ thành công cao, chỉ tử vong sau mổ khi bệnh nhân có kèm theo các dị tật nặng phối hợp. Dị tật tắc tá tràng bẩm sinh có thể được chẩn đoán nhờ siêu âm trước sinh vào 3 tháng cuối thai kỳ, với các dấu hiệu: dạ dày giãn to hình chữ C hai túi, hình ảnh “ bóng đôi ”, đa ối và em bé nôn trong bụng mẹ. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh từ khi bé còn trong bụng phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn của bác sĩ và trang thiết bị siêu âm. Việc này rất cần thiết vì phẫu thuật sớm tránh cho trẻ bị rối loạn nước và điện giải do nôn nhiều, mắc bệnh viêm phổi mà hậu quả có thể dẫn tới tử vong. Chụp X quang bụng đứng với dấu hiệu kinh điển dạ dày hai túi hơi (double buble image). Chụp CT Scanner có giá trị cao chẩn nguyên nhân”.

Sau thành công cứu sống bé, ekip rất vui mừng, xúc động, là động lực để tập thể bác sĩ và điều dưỡng của khoa Sơ sinh, cùng ekip bác sĩ của khoa Ngoại tổng quát và khoa Gây mê hồi sức tiếp tục đẩy mạnh, phối hợp tích cực liên khoa tiếp tục cứu sống các trường hợp bệnh nặng : sinh non tháng, nhẹ cân, có các dị tật bẩm sinh tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ.
BS. Ngô Quý Phong- Khoa SS-BVNĐCT