Trong mùa dịch hiện nay, Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ đang tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh liên quan đến tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết và các bệnh về hô hấp. Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện thì Sởi, Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tăng 40-50% so với cùng kì năm ngoái cả nội và ngoại trú, có nhiều trường hợp có biến chứng. Riêng tay chân miệng, sốt xuất huyết không tăng so với cùng kì năm ngoái , những còn nhiều trường hợp nặng có biến chứng phải nhập viện.
Do đó phụ huynh cần lưu ý phân biệt sốt xuất huyết, sởi và tay chân miệng và các bệnh về hô hấp để nhận biết phát hiện sớm đưa trẻ đến khám và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời.
- Giống nhau sốt xuất huyết, sởi và tay chân miệng và các bệnh về hô hấp:
Cả 4 bệnh giai đoạn đầu đều có sốt, đều là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp qua nói chuyện ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ người bệnh. 3 bệnh sởi ,TCM , SXH đều nổi ban tuy nhiên có sự khác nhau về đặc điểm sốt , phát ban và các triệu chứng kèm theo như sau:
- Khác nhau sốt xuất huyết, sởi và tay chân miệng và các bệnh về hô hấp:
* Sởi :
+ Sốt trong bệnh sởi: Sốt cao, có thể kéo dài 4-7 ngày. Sốt thường bắt đầu trước khi nổi ban.
+ Ban trong sởi đặc điểm: Ban đỏ, có dạng dát sẩn, không có mụn nước, thường xuất hiện từ sau tai, trán, mặt và lan xuống ngực, bụng, lưng, rồi đến tay chân, và biến mất cũng theo trình tự đó. Ban có thể kéo dài từ 5-7 ngày.
+ Triệu chứng kèm theo: Trước khi phát ban, trẻ thường có triệu chứng giống cảm lạnh như ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ, kèm theo mệt mỏi và chấm trắng trong miệng (hạt Koplik). Sau vài ngày sốt, ban đỏ mới xuất hiện.
+ Tiến triển: Khi ban nổi rõ, sốt có thể giảm dần, nhưng nếu sốt vẫn kéo dài sau khi ban nổi thì cần cảnh giác với biến chứng.
* Tay chân miệng:
+ Sốt trong bệnh tay chân miệng: Sốt thường nhẹ đến vừa, từ 37.5°C đến 39°C. Sốt kéo dài 1-2 ngày trước khi nổi mụn nước.
+ Ban trong TCM Đặc điểm: Ban thường có dạng mụn nước nhỏ, đôi khi xuất hiện những vết loét.Vị trí ban thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối và đôi khi ở mông, miệng.
+ Triệu chứng kèm theo: Trẻ có thể quấy khóc, kém ăn do loét miệng và đau họng. Kèm theo là mụn nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, mông và đôi khi ở khuỷu tay, đầu gối.
+ Tiến triển: Sốt thường giảm nhanh sau khi ban và mụn nước xuất hiện.
* Sốt xuất huyết:
+ Sốt trong bệnh sốt xuất huyết: Sốt cao đột ngột (trên 39°C), thường kéo dài từ 2-7 ngày.
+ Ban trong TCM Đặc điểm: Ban dạng xuất huyết dưới da (chấm hoặc mảng xuất huyết), không nổi cộm, không ngứa. Vị trí ban có thể xuất hiện khắp cơ thể, nhưng thường ở hai chân và tay.
+ Triệu chứng kèm theo: Sốt đi kèm với đau đầu, đau nhức cơ, khớp, đau sau hốc mắt, mệt mỏi, và có thể có chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi. Trong một số trường hợp nặng, có thể xuất hiện dấu hiệu xuất huyết dưới da.
+ Tiến triển: Sốt cao đột ngột, kéo dài khoảng 2-3 ngày, sau đó nhiệt độ có thể giảm nhưng đây là giai đoạn nguy hiểm vì có thể xảy ra biến chứng sốc hoặc xuất huyết nghiêm trọng.
* Nhiễm khuẩn hô hấp:
+ Sốt trong nhiễm khuẩn hô hấp: Sốt có thể nhẹ hoặc cao, tùy thuộc vào nguyên nhân nhiễm trùng (viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi,...). Nhiễm vi khuẩn thường gây sốt cao hơn (trên 38.5°C), còn nhiễm virus thường gây sốt nhẹ hơn.
+ Triệu chứng kèm theo: Ho, khò khè, đau họng, khó thở, mệt mỏi. Trong trường hợp viêm phổi, có thể có đau ngực và khó thở.
+ Tiến triển: Sốt có thể kéo dài vài ngày nếu không được điều trị đúng cách, đặc biệt trong các trường hợp nhiễm khuẩn.
LINK: https://www.youtube.com/watch?v=A1GWH60Rzyk
BS.CK2. Trương Cẩm Trinh