Theo thống kê từ Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm 2025, cả nước ghi nhận gần 15.000 ca mắc bệnh tay chân miệng. Số ca mắc tăng mạnh từ tháng 3, riêng tháng 4 ghi nhận số ca mắc tương đương tổng của hai tháng trước cộng lại.
Tại TP.HCM, tính đến tuần 12 (từ ngày 17 đến 23/3), thành phố ghi nhận 348 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 84,4% so với trung bình 4 tuần trước đó. Tổng số ca tích lũy từ đầu năm đến tuần 12 là 1.917 ca.
Tại Bệnh Viện Nhi Đồng Cần Thơ, theo thống kê trong tháng 5 bệnh nội trú tăng 72% so với cùng kì, bệnh ngoại trú từ đầu năm đến này tăng 14% ( trong tháng 5 tăng 38%) so với cùng kì năm 2024.
Do đó quý phụ huynh cần nâng cao cảnh giác và chủ động phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ
ĐỐI TƯỢNG DỄ MẮC BỆNH
+ Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.
+ Trẻ đang học mẫu giáo, nhà trẻ – môi trường dễ lây lan bệnh.
+ Trẻ có sức đề kháng yếu hoặc chưa từng mắc bệnh trước đó.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT SỚM
Phụ huynh cần chú ý các biểu hiện sau ở trẻ:
+ Sốt nhẹ hoặc sốt cao.
+ Đau họng, biếng ăn, mệt mỏi.
+ Xuất hiện mụn nước nhỏ ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng hoặc mông.
+ Trẻ có thể quấy khóc nhiều, chảy nước miếng, không chịu ăn uống.
Lưu ý: Một số trẻ có thể bị biến chứng thần kinh hoặc tim mạch nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA
Để hạn chế nguy cơ tái phát và lây lan, mỗi gia đình và cộng đồng cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp sau:
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt sau khi thay tã, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
2. Vệ sinh đồ chơi, vật dụng cá nhân, sàn nhà sạch sẽ mỗi ngày.
3. Cách ly trẻ bệnh, không cho trẻ đến lớp nếu có dấu hiệu nghi ngờ.
4. Theo dõi sức khỏe trẻ kỹ lưỡng, đưa trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu sốt, phát ban, mụn nước.
5. Báo với cơ sở y tế địa phương nếu có nhiều trẻ cùng mắc để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

Tin: BS. Trương Cẩm Trinh- Tổ TTSK