Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng bú mẹ, phát âm và giao tiếp của trẻ. Tình trạng này không thể tự khỏi và không có thuốc điều trị, vì vậy cắt thắng lưỡi là phương pháp can thiệp hiệu quả được bác sĩ chỉ định khi cần thiết. Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ năm 2024 khoảng 200 bé có chỉ định cắt dính thắng lưỡi.
CÁC MỨC ĐỘ DÍNH THẮNG LƯỠI & CHỈ ĐỊNH CẮT
Dính thắng lưỡi được chia thành 4 mức độ dựa trên vị trí bám của thắng lưỡi vào đầu lưỡi. Tùy vào mức độ ảnh hưởng, bác sĩ sẽ quyết định có cần can thiệp hay không.
CÁC MỨC ĐỘ DÍNH THẮNG LƯỠI
1️.Mức độ 1 (Nhẹ): Thắng lưỡi bám gần đầu lưỡi nhưng không ảnh hưởng nhiều đến cử động lưỡi.
➡ Không cần cắt nếu trẻ bú tốt và không gặp khó khăn khi phát âm.
2️.Mức độ 2 (Trung bình): Thắng lưỡi bám vào giữa lưỡi, hạn chế một phần cử động của lưỡi.
➡ Có thể cân nhắc cắt nếu trẻ gặp khó khăn khi bú hoặc phát âm.
3️.Mức độ 3 (Nặng): Thắng lưỡi bám sâu, gần nền miệng, làm lưỡi khó cử động, ảnh hưởng đến việc bú và phát âm.
➡ Chỉ định cắt sớm để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.
4️.Mức độ 4 (Rất nặng): Thắng lưỡi rất ngắn, dày và bám sâu vào nền miệng, làm lưỡi gần như không thể di chuyển.
➡ Cần cắt sớm để giúp trẻ bú tốt và hỗ trợ phát triển ngôn ngữ sau này.

KHI NÀO CẦN CẮT THẮNG LƯỠI?
- Cắt sớm nếu trẻ bị dính thắng lưỡi nhiều và gặp khó khăn khi bú mẹ.
- Đánh giá trước phẫu thuật nếu dính thắng lưỡi gây ảnh hưởng đến khả năng phát âm, để loại trừ các nguyên nhân khác gây nói khó ở trẻ.
PHỤ HUYNH CẦN LÀM GÌ KHI PHÁT HIỆN TRẺ BỊ DÍNH THẮNG LƯỠI?
➡ Đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ để được bác sĩ thăm khám và đánh giá chính xác mức độ dính thắng lưỡi.
➡ Quyết định cắt hay không sẽ dựa vào mức độ ảnh hưởng của thắng lưỡi đến quá trình bú mẹ hoặc phát âm của trẻ.