1. Xin chào và thưa Bác sĩ lấy ráy tai cho trẻ thế nào là đúng cách?
Ráy tai được chính thức biết đến như một chất sáp do ống tai ngoài tiết ra để đảm trách nhiệm vụ bắt giữ bụi bặm, vi khuẩn, thậm chí là các côn trùng nhỏ... khi chúng xâm nhập vào trong ống tai, ngoài ra ráy tai tạo môi trường acid giúp tránh nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Khi ráy tai tiết ra quá mức làm bít ống tai thì phải lấy nhưng không nên tự ý lấy ráy tai cho trẻ mà phải đến chuyên khoa tai mũi họng để lấy bởi vì rất nhiều nguy hiểm tiềm tàng có thể xảy ra mà thực tế là mỗi tuần bác sĩ gặp nhiều trường hợp đến viện vì tự ý lấy ráy tai.
2.Thực tế nhiều gia đình có thói quen dùng tăm nhựa 2 đầu bông để lấy ráy tai. Nhưng cách làm này khuyến cáo là không nên vì sao?
Cho dù với bất cứ dụng cụ gì chúng ta tuyệt đối không nên tự ý lấy ráy tai tại nhà cho trẻ bởi vì sao? Thứ nhất là trẻ hay quấy khóc không nằm yên cho chúng ta lấy, thứ hai là ống tai của trẻ em nhỏ và ngắn hơn người lớn, thứ ba là ống tai của trẻ mềm hơn so với người lớn. Chính vì vậy việc lấy ráy tai ở trẻ em tồn tại rất nhiều rủi ro có thể gặp phải như là chấn thương chảy máu ống tai ngoài, thủng màng nhĩ và nặng hơn nữa là trật khớp xương con tai giữa gây nghe kém, khi thủng màng nhĩ rồi thì nguy cơ tiềm tàng viêm tai giữa trẻ em là khá cao. Thực tế là tăm bông 2 đầu này chỉ có tác dụng với ráy tai ướt và ở phía ngoài nhưng đối với ráy tai khô thì vô tình tăm bông nó sẽ đẩy ráy tai vào trong sâu sát dính vào màng nhĩ.
3. Xin được tiếp tục cuộc trò chuyện cùng Bác sĩ ... Thưa Bác sĩ, nếu ráy tai bé nhiều và khó lấy, thì ba mẹ xử trí thế nào?
Nếu như ráy tai nhiều và khó lấy thì các bậc cha mẹ không nên tự ý xử trí gì và hãy đưa bé đến các cơ sở có chuyên khoa Tai Mũi Họng để lấy ráy tai qua nội soi, vừa sạch ráy tai lại vừa an toàn. Một điều lưu ý là không nên lấy ráy tai ở các tiệm cắt tóc vì ngoài những nguy cơ chấn thương ống tai và màng nhĩ, còn có nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm nấm ống tai do dùng chung dụng cụ.
4. Ống tai trẻ nhỏ mềm dễ tổn thương, để lấy ráy tai đúng cách cho bé không đau và an toàn cha mẹ nên làm gì?
Bởi vì ống tai trẻ vừa nhỏ vừa mềm nên rất dễ tổn thương. Với mạng lưới y tế ngày càng phát triển thì bác sĩ khuyến cáo nên đưa trẻ đến các cơ sở có nội soi tai mũi họng để lấy ráy tai cho trẻ.
5.Những trường hợp nào cần đưa bé đến chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ xử trí?
Như đã nói ở trên thì ráy tai bản thân nó vẫn có chức năng quan trọng trong việc bảo vệ ống tai ngoài và màng nhĩ vì thế không phải trường hợp nào cũng cần phải đến chuyên khoa TMH để lấy. Những trường hợp như ráy tai quá nhiều bít ống tai ngoài, (cha mẹ có thể dùng đèn pin để rọi vào và thấy 1 cục đen trong ống tai), hoặc những trường hợp ống tai có mùi hôi, bé hay gãi tai, than ngứa tai, nghe kém… thì gia đình cần đưa bé đến chuyên khoa TMH.
Xin cảm ơn Bác sĩ.