HỘI THẢO KHOA HỌC THÁNG 10 CHUYÊN ĐỀ TIÊU CHẢY Ở TRẺ EM – TƯ VẤN HỢP LÝ, BÉ PHỤC HỒI SỚM
Tiêu chảy là một trong những bệnh phổ biến ở trẻ em, đặc biệt ở các nước nhiệt đới và đang phát triển như Việt Nam. Tuy đây là bệnh dễ gặp nhưng nếu không được điều trị đúng cách, tiêu chảy có thể gây mất nước nghiêm trọng, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc tư vấn, giáo dục sức khỏe trong điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ, ngày 23/10/2024 Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ tổ chức Hội thảo Chuyên đề “Tiêu chảy ở trẻ em – Tư vấn hợp lý, bé phục hồi sớm”
Bệnh viện rất vinh dự được đón tiếp TTND.GS.TS.BS. Tạ Văn Trầm - Giám đốc BV Đa khoa Tiền Giang, Hiệu trưởng trường Y Dược, Trường Đại học Trà Vinh chia sẽ kinh nghiệm trong điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ em qua bài “Tiêu chảy ở trẻ em – Tư vấn hợp lý, bé phục hồi sớm”
BSCK2. Thái Thanh Lâm – Trưởng khoa Nội tiêu hóa, bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ chia sẻ 1 cas lâm sàng về bệnh lý nhiễm trùng đường ruột rất đặc biệt điều trị thành công tại Bệnh viện
Hội thảo chuyên đề lần này được sự quan tâm của nhiều đồng nghiệp đang làm việc tại các bệnh viện lân cận như: Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng, bệnh viện Quân Dân Y Cần Thơ, TTYT huyện Phong Điền, TTYT huyện Châu Thành – Hậu Giang, TTYT huyện Cái răng ….. với hơn 200 người tham dự.
Nội dung hội thảo xoay quanh các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng cũng như tư vấn giáo dục sức khỏe sao cho hợp lý, dễ hiểu, giúp phụ huynh cảm thấy đơn giản và dễ dàng theo dõi chăm sóc con mình nếu bé mắc tiêu chảy tại nhà
MỘT SỐ ĐIỀU PHỤ HUYNH CẦN LƯU Ý KHI CHĂM SÓC TRẺ ĐANG BỊ TIÊU CHẢY
+ Bổ sung nước và chất điện giải Khi trẻ bị tiêu chảy, nguy cơ mất nước là rất cao. Cha mẹ cần:
+ Cho bé uống dung dịch bù nước và điện giải (ORS) để thay thế lượng nước và muối mà cơ thể mất đi. ORS có thể mua tại các nhà thuốc hoặc pha chế tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
+ Đối với trẻ nhỏ còn bú mẹ, cần tiếp tục cho bé bú đều đặn. Sữa mẹ không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn giúp trẻ chống lại nhiễm trùng.
+ Chế độ dinh dưỡng hợp lý
+ Tiếp tục ăn uống bình thường: Nếu bé đã ăn dặm, cha mẹ cần cho trẻ ăn những thực phẩm dễ tiêu như cháo loãng, chuối chín, khoai tây nghiền. Tránh các loại thức ăn cay, béo, đồ ngọt hoặc nước ngọt có gas, không nên kiêng cữ quá mức
+ Theo dõi tình trạng mất nước
+ Không tự ý dùng thuốc kháng sinh: Tiêu chảy thường do virus gây ra, vì vậy kháng sinh không có tác dụng. Sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể làm tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn.
+ Thuốc cầm tiêu chảy: Các thuốc này không được khuyến cáo cho trẻ nhỏ vì có thể làm chậm quá trình loại bỏ tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể.
KHI NÀO CẦN ĐƯA TRẺ ĐẾN BỆNH VIỆN?
+ Tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày mà không có dấu hiệu cải thiện.
+ Bé nôn mửa nhiều lần trong ngày.
+ Phân có máu hoặc bé sốt cao liên tục.
+ Bé có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng như: Môi khô, mắt trũng, uống nước háo hức hoặc không uống được nước, li bì, vật vã quấy khóc …
Tiêu chảy là một bệnh lý phổ biến nhưng nguy hiểm nếu không được chăm sóc đúng cách, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Việc chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đòi hỏi sự kết hợp giữa điều trị mất nước, dinh dưỡng hợp lý, và phòng ngừa nhiễm khuẩn. Tăng cường giáo dục cộng đồng và cải thiện các điều kiện vệ sinh là những giải pháp thiết yếu để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Hội thảo kết thúc lúc 16 giờ cùng ngày
*Một số hình ảnh trong buổi hội thảo
.