PHỎNG VẤN BÁC SĨ VỀ TÌNH HÌNH COVID-19 TRẺ EM TẠI BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG CẦN THƠ VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN COVID-19
TÌNH HÌNH KHÁM BỆNH COVID TẠI BVNĐCT
Để giảm thời gian chờ và phiền hà cho bệnh nhân. Hiện khi đến khám bệnh ngoại trú tại BVNĐCT không còn thực hiện xét nghiệm sàng lọc covid-19 bệnh nhi và người nhà, tại 2 khoa khám. Chỉ thực hiện xét nghiệm sàng lọc covid-19 ở một số trẻ nhập viện khi có tiêu chuẩn cần xét nghiệm.
Theo thống kê bệnh nội trú trẻ em covid-19 tại BVNĐCT trong 3 tháng đầu năm 2022 là 917 trường hợp.
CÁCH PHÂN BIỆT TRẺ NHIỄM BỆNH COVID19 VỚI BỆNH CẢM THÔNG THƯỜNG
Vì một số triệu chứng của bệnh cúm, COVID-19 và các bệnh đường hô hấp nói chung là tương tự nhau, nên không thể phân biệt cúm thường và Covid nếu chỉ dựa trên các triệu chứng.
Chỉ có xét nghiệm sinh học mới có giá trị chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh. Thậm chí một người có thể bị nhiễm cả bệnh cúm và COVID-19 cùng một lúc, do đó có các triệu chứng của cả hai.
Trong 3 triệu chứng phổ biến và rõ ràng nhất của Covid-19 là sốt, ho khan và khó thở, chỉ có khó thở là không liên quan đến cảm lạnh hay cúm. Nhưng theo nghiên cứu, những người tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đủ liều nếu nhiễm bệnh sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và càng ngày càng giống như cảm cúm. Do đó, nếu muốn phân biệt cúm và Covid-19 cũng cần phải xem xét đến yếu tố dịch tễ.
Ngoài ra, mất khứu giác là dấu hiệu được báo cáo sớm nhất và phổ biến liên quan đến SARS-CoV-2, đồng thời là dấu hiệu để phát hiện người mắc COVID-19 hiệu quả hơn so với các triệu chứng như sốt và ho. Không giống như trong các trường hợp cảm lạnh và một số trường hợp cúm mà nguyên nhân mất khứu giác có xu hướng liên quan đến nghẹt mũi (nghẹt mũi do tích tụ chất nhầy), trong COVID-19 mất khứu giác đột ngột có thể liên quan trực tiếp đến nhiễm trùng SARS-CoV-2 trong biểu mô mũi và các tế bào thần kinh khứu giác mà không có bất kỳ tắc nghẽn nào. Do đó, những người bị mất khứu giác đột ngột nên được nghi ngờ là dương tính với COVID-19 và cần làm xét nghiệm để xác nhận ngay lập tức.
Cả COVID-19 và bệnh cúm mùa đều có thể biểu hiện các mức độ triệu chứng khác nhau, từ không triệu chứng đến các triệu chứng nghiêm trọng. Các triệu chứng phổ biến mà COVID-19 và bệnh cúm đều có bao gồm:
+ Sốt hoặc cảm thấy nóng / ớn lạnh
+ Ho
+ Khó thở
+ Mệt mỏi
+ Viêm họng
+ Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
+ Đau cơ hoặc đau nhức cơ thể
+ Đau đầu
+ Nôn mửa và tiêu chảy
+ Thay đổi hoặc mất vị giác / khứu giác (phổ biến hơn ở COVID-19).
KHI TRẺ NHIỄM COVID19 PHỤ HUYNH CẦN LÀM GÌ ĐỂ TRỊ CHO TRẺ TẠI NHÀ;
Gần đây số trẻ mới mắc covid-19 gia tăng, gây ra rất nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh do lúng túng không biết xử trí như thế nào, không biết khi nào đưa bé vào bệnh viện thăm khám? cách chăm sóc ra sao ?
Để chăm bé bệnh covid-19 tại nhà một cách an toàn và hiệu quả.Các phụ huynh cần chú ý một số vấn đề sau:
Khi nào trẻ bệnh covid-19 được điều trị tại nhà?
Trẻ bệnh covid-19 được điều trị tại nhà khi đồng thời thỏa các tiêu chí sau đây:
- Không có triệu chứng hoặc có triệu chứng ở mức độ nhẹ.
- Không có bệnh nền hoặc bệnh nền đang được điều trị ổn định.
- Có người nhà chăm sóc và theo dõi tại nhà và có khả năng liên hệ nhân viên y tế khi cần.
Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chữa bệnh hoặc thông báo cho nhân viên y tế?
Nếu trẻ có một trong số các dấu hiệu sau đây, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chữa bệnh hoặc liên hệ với nhân viên y tế để được hướng dẫn:
- Trẻ lừ đừ, li bì, quấy khóc nhiều không chịu chơi.
- Trẻ sốt cao liên tục mặc dù đã được dùng thuốc hạ sốt và/hoặc lau người bằng nước ấm hoặc sốt không cải thiện sau 2 ngày từ khi trẻ bắt đầu sốt
- Trẻ thở nhanh, thở mệt, thở phập phồng cánh mũi, thở co lõm ngực (xem bảng xác định ngưỡng thở nhanh so với tuổi).
- Trẻ tím tái (chú ý theo dõi ở môi, đầu các ngón tay).
- Trẻ không ăn/bú/uống được hoặc ăn/bú/uống giảm một cách đáng kể so với bình thường hoặc nôn (ói) tất cả mọi thứ khi ăn/uống/bú.
- Spo2 < 96% (nếu có máy đo được).
- Trẻ đau tức ngực.
- Trẻ môi khô, mắt trũng, khát nước, đi tiểu ít.
- Trẻ nổi ban/chấm đỏ ở da, nổi bóng nước ở miệng/lòng bàn tay, bàn chân…
hoặc bất cứ triệu chứng gì khiến người nhà lo lắng.
Chăm sóc trẻ bệnh covid-19 tại nhà như thế nào?
Các điểm cần lưu ý khi theo dõi, chăm sóc trẻ bệnh covid-19 tại nhà:
- Luôn theo dõi dấu hiệu cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhà nhất như trên đã nêu.
- Tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ, ăn trái cây tươi, rau xanh.
- Bổ sung thêm dịch cho trẻ bằng cách cho uống nước/sữa/nước trái cây/nước điện giải; không bổ sung bằng các loại nước ngọt công nghiệp.
- Tiếp tục dùng thuốc điều trị bệnh nền (nếu có).
- Không tự ý sử dụng các thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm… khi không có chỉ định của nhân viên y tế.
- Không xông cho trẻ em vì nguy cơ gây bỏng, ngộ độc.
- Dùng các thuốc điều trị triệu chứng (khi trẻ có biểu hiện).
+ Đối với trẻ bị sốt: sốt là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ bệnh covid-19, hầu như là triệu chứng đầu tiên giúp phát hiện trẻ bệnh. Nếu trẻ bị sốt từ 38,50c, dùng hạ sốt cho trẻ với liều 10-15mg/kg/lần uống (hoặc đặt hậu môn nếu cần), cách mỗi 4-6 giờ khi cần lặp lại. Lưu ý tổng liều thuốc một ngày không quá 60mg/kg/ngày. Đồng thời nên cho trẻ mặc thoáng, bổ sung thêm dịch (nước, nước điện giải, nước trái cây, sữa) cho trẻ.
+ Đối với trẻ bị sổ mũi, ngạt mũi: dùng nước muối sinh lý 0,9% để nhỏ mũi.
+ Đối với trẻ bị ho: dùng các thuốc giảm ho (không kê đơn), siro ho dạng thảo dược.
+ Đối với trẻ bị tiêu chảy: bổ sung thêm dịch (nước, nước trái cây, nước điện giải oresol, sữa) sau mỗi lần tiêu chảy. Sử dụng các loại men vi sinh, men tiêu hóa nên có sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Không được dùng thuốc cầm tiêu chảy.
Khi nào kết thúc thời gian cách ly, chăm sóc tại nhà?
Sau thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày thì xét nghiệm nhanh kháng nguyên sars-cov-2:
- nếu âm tính à kết thúc thời gian cách ly.
- nếu dương tính à tiếp tục cách ly tại nhà đủ 10 ngày nếu tiêm đủ vắc xin, 14 ngày nếu chưa tiêm vắc xin.
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG HỢP LÝ CHO TRẺ MÙA DỊCH
Khi phát hiện trẻ mắc COVID-19, cha mẹ cần bình tĩnh theo dõi và xử trí các triệu chứng phù hợp theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế.
Đặc biệt, cần lưu ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ thật tốt là rất cần thiết để trẻ nhanh hồi phục, đảm bảo sự phát triển thể chất của trẻ.
Cho trẻ ăn đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng
- Chế độ ăn cho trẻ mắc COVID-19 cần cân đối hàng ngày với 4 yếu tố chính:
+ Lipid (lipid động vật và lipid thực vật).
+ Vitamin và khoáng chất.
+ Thành phần các chất sinh năng lượng (protein, lipid, carbohydrate).
+ Protein (protein động vật và thực vật). Trẻ phải ít nhất có 1 bữa ăn trong ngày có cân đối khẩu phần.
- Hàng ngày phải ăn ít nhất là 5 trong 8 nhóm thực phẩm (nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm).
- Cung cấp đủ nước, đặc biệt là nước trái cây tươi.
- Khuyến khích trẻ 1-2 tuổi uống sữa công thức tối thiểu 600ml/ngày (trẻ không có sữa mẹ) và trẻ >2 tuổi 500ml/ngày sữa công thức theo tuổi/ngày đủ đáp ứng dinh dưỡng cho tăng trưởng và cân bằng dinh dưỡng (không cần bổ sung đa vi chất).
- Trường hợp trẻ kém ăn, ăn không đủ lượng theo khuyến nghị thì phải dùng công thức hỗ trợ dinh dưỡng đường uống có đậm độ năng lượng cao (1Kcal/ml) thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường.
- Cho trẻ ăn những món hợp khẩu vị mà trẻ thích, thức ăn dễ tiêu hóa và có giá trị dinh dưỡng cao.
- Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường <5% tổng năng lượng ăn vào).
- Hạn chế ăn quá mặn.
- Tránh uống nước ngọt công nghiệp.
Theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ
Cha mẹ cần theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ để xác định xem trẻ có khả năng sẽ bị suy dinh dưỡng cấp hay không:
- Theo dõi cân nặng định kỳ cho trẻ, nếu có thể được 3-5 ngày/lần. Nếu trẻ có sụt cân từ 1-2%/1 tuần cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để được hướng dẫn thích hợp.
- Đánh giá biểu hiện đường tiêu hóa hàng ngày của trẻ như: chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng bởi chúng sẽ làm suy giảm lượng thức ăn và giảm hấp thụ.
- Theo dõi lượng thức ăn trẻ ăn vào/ngày. Nếu lượng thức ăn trẻ ăn vào <70% nhu cầu bình thường so với tuổi, cần được tư vấn cụ thể bởi nhân viên y tế.
Cách chế biến thực phẩm bảo đảm dinh dưỡng
-Cần đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày với các món ăn hợp khẩu vị, những thức ăn cần được cắt thái hoặc xay nhỏ hơn, chế biến mềm hơn, lỏng hơn so với lúc chưa bị bệnh, thay đổi món ăn và chia làm nhiều bữa nhỏ để giúp cho quá trình ăn nhai tốt hơn, ăn ngon miệng hơn và dễ tiêu hóa hơn.
-Hạn chế cách chế biến chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nướng, xông khói, … không có lợi cho người bệnh.
-Sau khi trẻ đã khỏi bệnh, cần cho trẻ ăn nhiều hơn trong giai đoạn hồi phục ít nhất là 2 tuần để trẻ có thể nhanh chóng trở về tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe bình thường.
CÁCH PHÒNG BỆNH CHO TRẺ KHI ĐẾN TRƯỜNG CŨNG NHƯ NƠI CÔNG CỘNG.
Trước diễn biến tình hình dịch Covid – 19 đang lây lan rất nhanh, Các phụ huynh cần chủ động hướng dẫn cho các em trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân, tránh lây nhiễm trong môi trường lớp học.
Tạo thói quen rửa tay và rửa tay đúng cách
Rửa tay là một trong số những biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh
Rửa tay đúng cách: Trẻ cần rửa tay theo 6 bước được hướng dẫn trong vòng 20-30 giây bằng xà phòng và nước. Các loại xà phòng thông thường cũng đã đảm bảo tính sát khuẩn để tiêu diệt mầm bệnh tốt.
Mang khẩu trang đúng cách
Đối với khẩu trang vải: Đeo khẩu trang che kín cả mũi và miệng, nên thường xuyên giặt sạch bằng xà phòng cho lần sử dụng sau, khi tháo khẩu trang chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo.
Đối với khẩu trang y tế: Đeo mặt xanh hướng ra ngoài, mặt trắng đeo vào trong và kẹp thanh nhôm hướng lên trên bóp sát vào sống mũi, chỉ nên sử dụng một lần duy nhất tránh tái sử dụng vì không đảm bảo tính kháng khuẩn, khi tháo khẩu trang chỉ cầm tay vào dây đeo qua tai.
Giữ khoảng cách an toàn tối thiểu khi ngồi học và khi ra chơi
Học sinh cần nghiêm túc thực hiện việc giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m đối với bạn học khi ngồi trong lớp và khi cần tiếp xúc. Đây là quy định trong phòng, chống dịch Covid -19 nên các Nhà trường nên đảm bảo trong việc tổ chức học tập việc giữ khoảng cách giữa các học sinh.
Không che mũi, miệng bằng tay khi ho và hắt hơi
Virut tồn tại trong các giọt nước bọt khi trẻ ho hoặc hắt hơi sẽ bắn ra không khí. Vì vậy, khi ho và hắt hơi phải che mũi, miệng bằng khăn giấy hoặc ho và hắt hơi vào phía bên trong khuỷu tay áo của mình. Phần lớn mọi người đều có thói quen dung bàn tay che khi ho và hắt hơi, đây là một thói quen xấu cần được loại bỏ.
Không chia sẻ đồ dùng cá nhân với bạn bè
Thông thường, học sinh nhất là đối tượng trẻ em thích chia sẻ dồ dùng cá nhân, ly cốc uống nước với bạn bè. Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ không chia sẻ đồ dùng của mình với bạn bè, đặc biệt là trong mùa dịch cúm và các dịch về đường hô hấp. Virut và vi khuẩn dễ xâm nhập và lan truyền qua nhau nhất là qua đường nước bọt khi sử dụng chung ly cốc.
Ngoài các khuyến cáo để chủ động bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch, phụ huynh học sinh cũng cần có những kiến thức về tăng cường sức đề kháng cho con em mình trong mùa dịch. Một chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, bổ xung thêm vitamin C trong hoa quả và rau xanh, các thực phẩm có đạm dễ tiêu,thực phẩm tươi mới, ăn chín uống sôi. Đặc biệt cần cung cấp đủ nước cho cơ thể là vô cùng quan trọng. Một giấc ngủ sâu và đủ giấc sẽ khiến cơ thể đầy đủ năng lượng để học tập trong mùa dịch.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG TP. CẦN THƠ
|
Địa chỉ: Số 345 Nguyễn Văn Cừ, P. An Bình, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
|
|
Điện thoại: 02923748356
|
|
Fax: 02923831031
|
|
Email: bvnhidong@cantho.gov.vn
|
Bs. Trương Cẩm Trinh-TTSK -BVNĐCT