Sơ cứu gãy xương
Tiến sĩ Lê Ngọc Duy
Gãy xương là một tình trạng mất đi tính liên tục của xương. Nó có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ một vết rạn cho đến một sự gãy hoàn toàn của xương.
1.Nguyên nhân
Gãy xương thường là do tác động của một lực vào xương, có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp.
§ Trực tiếp: nếu do lực trực tiếp thì đường gãy thường cắt ngang qua xương và ổ gãy ở ngay tại vùng bị tác động.
§ Gián tiếp: lực gián tiếp thường gây ra gãy xoắn và ổ gãy thường ở xương nơi bị lực tác động vào.
2.Phân loại
Gãy xương được chia làm 2 loại chính: gãy xương kín và gãy xương hở và cả 2 đều có thể là gãy xương biến chứng.
§ Gãy xương kín: là loại gãy xương mà tổ chức da ở vùng xung quanh ổ gãy không bị tổn thương hoặc tổn thương nhưng không thông với ổ gãy.
§ Gãy xương hở: là loại gãy xương khi có tổn thương ở bề mặt da thông với ổ gãy hoặc 1 đầu xương chòi ra ngoài. Gãy xương hở là 1 tổn thương nghiêm trọng vì nó không những gây chảy máu mà còn gây nên những biến chứng nhiễm khuẩn nặng nề.
§ Gãy xương biến chứng: cả gãy xương hở và gãy xương kín đều được coi là gãy xương biến chứng khi có 1 tổn thương kèm theo như tổn thương dây thần kinh, mạch máu hay tổ chức cơ quan nào đó.
3.Triệu chứng
· Cảm thấy hoặc nghe thấy tiếng kêu “răng rắc” của xương gãy.
· Đau ở chỗ chấn thương hoặc gần vị trí đó. Đau tăng khi vận động.
· Giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng vận động của xương gãy.
· Sưng nề sau đó bầm tím ở vùng chấn thương.
· Có phản ứng tại chỗ gãy khi chạm nhẹ lên vùng bị thương.
· Biến dạng chi gãy: chi bị ngắn lại, gập góc hay xoắn vặn…
· Khi khám có thể nghe thấy tiếng lạo xạo của của 2 đầu xương gãy cọ vào nhau. Không được cố gắng tìm dấu hiệu này vì làm bệnh nhân rất đau.
· Có thể có triệu chứng của sốc. Tình trạng sốc thường xảy ra trong các trường hợp gãy xương hở, gãy xương chậu, xương đùi và đa chấn thương.
* Chú ý: Không phải tất cả các trường hợp gãy xương đều có những dấu hiệu và triệu chứng trên. Để tìm ra những dấu hiệu của gãy xương phải chủ yếu dựa vào quan sát. Không vận động bất kì nơi nào của cơ thể nếu không cần thiết. nếu có thể thì so sánh chi bị thương với chi lành.
Nếu có sự kết hợp của 2 hay 3 triệu chứng kể trên hoặc bệnh nhân có biểu hiện sốc hoặc nếu có nghi ngờ về tính nghiêm trọng của một chấn thương thì hãy xử trí như một trường hợp gãy xương.
4.Xử trí
4.1. Mục đích
Hạn chế di lệch của đầu xương gãy, giảm đau, phòng sốc và các tổn thương thứ phát khác tại vùng tổn thương.
4.2. Xử trí
§ Gọi cấp cứu y tế.
§ Đánh giá và xử trí các vấn đề về đường thở, thở và tuần hoàn đặc biệt trong các trường hợp gãy xương hở, xương chậu, xương đùi, đa chấn thương…
§ Tuyệt đối không vận động phần bị tổn thương nếu không cần thiết.
§ Băng kín các vết thương nếu có. Kiểm soát chảy máu.
§ Cố định tạm thời xương gãy bằng nẹp hoặc băng ép.
§ Thường xuyên nâng cao chi bị gãy sau khi cố định để giảm sưng nề.
§ Thường xuyên theo dõi bệnh nhân về tình trạng toàn thân.
4.3. Nguyên tắc cố định xương gãy
§ Nẹp sử dụng phải đảm bảo đủ độ dài, rộng và vững chắc. Nẹp có thể làm bằng gỗ, tre, thanh kim loại…
§ Không đặt nẹp trực tiếp lên da thịt nạn nhân phải có đệm lót ở đầu nẹp, đầu xương. Có thể lấy bông hoặc vải để làm đệm lót
§ Cố định trên và dưới vị trí xương gãy 1 khớp. Với gãy xương đùi phải bất động được 3 khớp
§ Trường hợp gãy kín đặc biệt gãy xương đùi phải kéo liên tục bằng một lực không đổi.
§ Trường hợp gãy xương hở: không được kéo nắn ấn đầu xương gãy vào trong, phải xử trí vết thương sau đó giữ nguyên tư thế gãy để cố định.
§ Bất động ở tư thế cơ năng: chi trên treo tay vuông góc hoặc để duỗi thẳng và buộc vào người, chi dưới duỗi thẳng và buộc chi gãy với chi lành thành một khối thống nhất.
§ Sau khi đã bất động xong phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở điều trị hoặc gọi cấp cứu y tế.
* Chú ý: Không gây đau hoặc tổn thương thêm.
Nguồn: http://benhviennhitrunguong.org.vn/so-cuu-gay-xuong.html