Theo số liệu thống kê tại Bệnh Viện Nhi Đồng Cần Thơ trong vòng 3 tháng gần đây đến nay tổng số bệnh sốt xuất huyết điều trị nội trú là 488 bệnh, trong đó có 92 bệnh sốt xuất huyết vô sốc và nặng.
Hiện nay sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị, các bậc phụ huynh không được chủ quan, đặc biệt trong điều kiện sáng nắng, chiều mưa thất thường cần chú ý theo dõi tránh để các trẻ bị sốc sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra là một dạng bệnh truyền nhiễm cấp tính, trong trường hợp sốc sốt xuất huyết khiến trẻ bị suy hô hấp, suy đa tạng... dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời, vì ở trẻ em, sốt Dengue có thể tiến triển thành hội chứng sốc nguy hiểm
Nếu sốt đến ngày thứ 3, phải nghĩ đến sốt xuất huyết. Nếu có kèm theo những chấm xuất huyết ở da, hoặc kèm theo chảy máu mũi, chảy máu răng, đi cầu phân đen, mệt, đừ người, tay chân trẻ lạnh thì phải nhanh chóng đưa đi bệnh viện, không được để qua ngày thứ 4 sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.
Triệu chứng nhận biết bệnh sốt xuất huyết Dengue là trẻ sốt cao liên tục 2 - 7 ngày kèm dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ở da (thường ở cánh tay, cẳng chân), chảy máu răng, máu mũi. Bất kỳ trẻ nào sốt từ 2 - 3 ngày trở lên cần được nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết Dengue và nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Khi trẻ hết sốt vào ngày thứ 4, thứ 6 thì càng phải theo dõi sát hơn vì đây là giai đoạn bệnh có thể trở nặng.
SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE NẶNG
Sốt xuất huyết nặng khi trẻ có một trong các biểu hiện: thoát huyết tương nặng dẫn đến sốc giảm thể tích (Sốc sốt xuất huyết Dengue), ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều, Xuất huyết nặng, Suy tạng.
- Sốc sốt xuất huyết Dengue
Suy tuần hoàn cấp, thường xảy ra vào ngày thứ 3-7 của bệnh, biểu hiện bởi các triệu chứng như vật vã; bứt rứt hoặc li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹp (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20 mmHg) hoặc tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp; tiểu ít.
- Xuất huyết nặng
+ Chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, thường kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.
+ Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn.
- Suy tạng nặng
+ Suy gan cấp.
+ Suy thận cấp.
+ Rối loạn tri giác (Sốt xuất huyết thể não).
+ Viêm cơ tim, suy tim, hoặc suy chức năng các cơ quan khác.
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ KHI NGHI NGỜ TRẺ SỐC SỐT XUẤT HUYẾT
Sốc sốt xuất huyết nếu phát hiện sớm, bệnh nhân được bù dịch đầy đủ thì sẽ hồi phục dễ dàng. Ngược lại, nếu bệnh nhân không được phát hiện và xử trí kịp thời thì có thể rơi vào tình trạng sốc, mạch nhanh, tụt huyết áp. Tình trạng sốc này nếu để diễn biến kéo dài sẽ tiến triển thành sốc không hồi phục và có thể gây suy đa phủ tạng, dễ dẫn đến tử vong. Từ lúc bệnh biến chứng đến khi tử vong chỉ sau 5 - 6 tiếng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Điều trị sốt xuất huyết Dengue phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.
Điều trị triệu chứng. Nếu sốt cao trên 38,5 độ C, cho uống thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là Paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 - 15 mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4 - 6 giờ.
Các vấn đề cần chú ý:
- Tổng liều Paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24h. Không dùng Aspirin, Ibuprofen để điều trị vì có thể gây nguy hiểm.
- Khuyến khích cho trẻ uống nhiều nước Oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh…) hoặc nước cháo loãng với muối.
- Không ăn uống những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ vì nếu nôn ói sẽ khó phân biệt với xuất huyết tiêu hóa.
- Tái khám và làm xét nghiệm hàng ngày, cho nhập viện nếu xuất hiện dấu hiệu cảnh báo.
- Cho trẻ khám lại ngay và cho nhập viện nếu:
+ Trẻ thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
+ Không ăn, uống được.
+ Nôn ói nhiều.
+ Đau bụng nhiều.
+ Tay chân lạnh, ẩm.
+ Mệt lả, bứt rứt.
+ Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.
+ Không tiểu trên 6 giờ.
+ Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.
- Sốt xuất huyết không phải là biểu hiện bắt buộc của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, bởi vì có thể trẻ tuy mang bệnh nhưng lại hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng xuất huyết. Vì vậy, dù có hoặc không có triệu chứng xuất huyết thì bệnh vẫn có thể đã tới giai đoạn nguy hiểm, có thể khiến bé tử vong. Một trong những biến chứng nguy hiểm là trẻ bị sốc, với biểu hiện gồm ba tình trạng suy giảm: giảm tri giác, giảm thân nhiệt và giảm huyết áp. Ở giai đoạn nguy hiểm này, xét nghiệm máu thấy lượng tiểu cầu giảm mạnh chỉ còn dưới 100.000/mm3, trường hợp nặng bé có thể bị rối loạn đông máu, vô cùng nguy kịch.

BS . CK2 Trương Cẩm Trinh