BỆNH NHÂN THALASSEMIA ĐIỀU TRỊ THẢI SẮT TẠI BV NHI ĐỒNG CẦN THƠ ĐÃ ĐƯỢC BẢO HIỂM Y TẾ CHI TRẢ
Thalassemia là bệnh thiếu máu tán huyết di truyền, do hồng cầu bị phá vỡ, đời sống hồng cầu ngắn, dẫn đến thiếu máu, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, do đó bệnh nhân được nhập viện truyền máu định kỳ để duy trì cuộc sống bình thường.
Thalassemia là bệnh thiếu máu tán huyết di truyền, do hồng cầu bị phá vỡ, đời sống hồng cầu ngắn, dẫn đến thiếu máu, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, do đó mà trẻ cần được truyền máu định kỳ để duy trì cuộc sống bình thường. Tùy theo mức độ thiếu máu mà trẻ bị Thalassemia có số lượng máu nhiều hay ít và khoảng cách truyền máu dài hay ngắn khác nhau.
Tại khoa Nội tim mạch Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ mỗi tháng tiếp nhận điều trị trên 30 lượt bệnh nhân Thalassemia, bệnh nhân được nhập viện truyền máu định kỳ. Quá trình truyền máu diễn ra lâu dài, trẻ được truyền máu mỗi tháng hoặc hơn tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh. Việc truyền máu nhiều lần làm cho lượng sắt trong cơ thể của trẻ ngày một tăng cao, gây ứ trệ sắt ảnh hưởng nghiêm trọng các cơ quan, đặc biệt là tim, gan, … Vì vậy việc làm giảm bớt lượng sắt trong cơ thể là rất quan trọng. Trước đây, các bệnh nhi được bác sĩ cho chỉ định thải sắt gia đình phải tự túc mua, nhưng phần lớn bệnh nhân thalassemia đều có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế.
Từ tháng 9/2015 thuốc thải sắt đã được đưa vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ (có 2 loại uống và tiêm truyền). Ở trẻ trên 3 tuổi, có ferritine > 1000 ng/ml hay sau khoảng 10-20 lần truyền máu cần được thải sắt để tránh hậu quả của việc ứ sắt.